Huyết áp

Tổng quan bệnh Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Huyết áp gồm có hai con số (ví dụ 140/80mmHg, 130/90mmHg). Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).

 

Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận…

Tăng huyết áp được chia làm hai thể: tăng huyết áp tiên phát (tăng huyết áp vô căn) và tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp có nguyên nhân). Tăng huyết áp vô căn là thể tăng huyết áp thường gặp nhất, chiếm 90% và không xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp.

Cơn tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao lên trên 180/120mmHg. Cơn tăng huyết áp được chia làm hai loại: tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp.Tăng huyết áp cấp cứu được định nghĩa là huyết áp tăng trên 180/120mmHg và có bằng chứng tổn thương cơ quan đích (bệnh não tăng huyết áp, tổn thương võng mạc, suy thận cấp, nhồi máu cơ tim, lóc tách động mạch chủ). Tăng huyết áp khẩn cấp thì chưa có tổn thương cơ quan đích. Nhưng cả hai thể đều phải điều trị ngay và kịp thời.

Nguyên nhân bệnh Tăng huyết áp
Nguyên nhân tăng huyết áp cũng được chia thành hai nhóm

Tăng huyết áp vô căn: không xác định được nguyên nhân

Tăng huyết áp thứ phát: các nguyên nhân có thể gặp:

Các bệnh lý về thận: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận

Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, Cushing, cường Aldosteron, cường giáp,..

Các bệnh lý tim mạch: hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hẹp xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch thận

Do thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm

Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh

Triệu chứng bệnh Tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài. Đôi khi người bệnh có thể thấy đau đầu, đau ngực, khó thở khi có cơn tăng huyết áp. Hoặc những triệu chứng của tổn thương cơ quan đích: nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tiểu máu, liệt nửa người (đột quỵ não)…nhưng khi có những triệu chứng này tiên lượng thường không tốt.

Đối tượng nguy cơ bệnh Tăng huyết áp
Giới nam

Nữ đã mãn kinh

Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp

Béo phì, thừa cân

Lối sống ít hoạt động thể lực

Hút thuốc lá

Chế độ ăn nhiều muối, ăn mặn

Stress và căng thẳng tâm lý

Uống nhiều rượu, bia

Bệnh thận mạn, đái tháo đường, hội chứng ngừng thở khi ngủ

Phòng ngừa bệnh Tăng huyết áp
Chế độ ăn: giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật

Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần

Bỏ thuốc lá, thuốc lào

Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2

Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ

Hạn chế uống rượu bia

Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, thư giãn nghỉ ngơi hợp lí

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng huyết áp
Chẩn đoán tăng huyết áp chỉ cần đo huyết áp theo quy trình chuẩn tại phòng khám. Hoặc có thể đeo Holter huyết áp (theo dõi huyết áp 24h), tự đo huyết áp tại nhà.

Nếu đo huyết áp tại phòng khám: tăng huyết áp khi huyết áp  ≥ 140/90mmHg

Đo huyết áp bằng máy Holter: tăng huyết áp khi huyết áp trung bình ban ngày ≥ 135/85mmHg, huyết áp trung bình ban đêm ≥ 120/70mmHg

Tự đo huyết áp tại nhà nhiều lần: tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 135/85 mmHg

Các biện pháp điều trị bệnh Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh cần điều trị suốt đời, không thể bỏ thuốc. Cần duy trì uống thuốc đều đặn, tránh trường hợp đo huyết áp thấy cao mới uống. Mục tiêu điều trị đối với tất cả bệnh nhân là đưa huyết áp xuống dưới 140/90mmHg. Những đối tượng đặc biệt có thể đưa huyết áp xuống thấp hơn ở mức 130/80mmHg. 


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng